Phạm
vi kiểm sát việc lập hồ sơ điều tra vụ án hình sự được xác định từ khi CQĐT
hoặc Cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp
nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và kết thúc khi VKS tiếp
nhận hồ sơ kết thúc điều tra nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra.
Một số kỹ
năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát việc lập hồ sơ điều tra vụ án hình sự:
Thứ
nhất, kiểm sát về
mặt hình thức của hồ sơ điều tra vụ án hình sự.
Về mặt
nguyên tắc: tất cả các tài liệu thu thập trong quá trình điều tra phải được đưa
vào hồ sơ vụ án.
Đối
với hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố phải gồm
các tài liệu như: quyết định phân công nhiệm vụ của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng,
Điều tra viên; các văn bản thể hiện hoạt động tiến hành kiểm tra, xác minh,
quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự; văn bản thông báo kết quả
giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định.
Đối
với hồ sơ đề nghị phê chuẩn: Khi CQĐT, Cơ quan khác được giao tiến hành một số
hoạt động điều tra đề nghị phê chuẩn các lệnh, quyết định thì hồ sơ vụ án kèm
theo phải được đánh số bút lục của CQĐT, Cơ quan khác được giao tiến hành một
số hoạt động điều tra và có bảng kê tài liệu với đầy đủ tên tài liệu, số trang.
Các tài liệu có trong hồ sơ phải đảm bảo có tính giá trị pháp lý (không được là
bản photo, tẩy xóa mà không có xác nhận,...) và tài liệu phải có liên quan đến
vụ án.
Hồ sơ phải
bao gồm các tài liệu như: công văn đề nghị VKS phê chuẩn; Lệnh, quyết định cần
phê chuẩn; các tài liệu có liên quan chứng minh cho việc đủ căn cứ để phê
chuẩn; tài liệu về nhân thân người bị buộc tội; lời khai của những người có
liên quan; các văn bản khác (nếu có); bảng kê tên các tài liệu trong hồ sơ và
từng trang có đóng dấu bút lục của CQĐT.
Đối với hồ
sơ kết thúc điều tra: Các tài liệu trong hồ sơ vụ án do CQĐT, Cơ quan khác được
giao tiến hành một số hoạt động điều tra thống nhất đánh số thứ tự một lần và
lập bảng thống kê đầy đủ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án từ 01 cho đến hết.
Hồ sơ phải có biên bản đánh giá chứng cứ giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên
được phân công trong vụ án đó.
Thứ
hai, kiểm sát chặt
chẽ việc lập hồ sơ vụ án của Điều tra viên, cán bộ điều tra nhằm đảm bảo hồ sơ
được thiết lập, xây dựng một cách hợp pháp, đầy đủ, chính xác theo tiến độ giải
quyết vụ án mà tố tụng hình sự quy định.
Chú ý một
số lỗi thường gặp liên quan đến hình thức của các lệnh, quyết định, biên bản do
CQĐT lập như: các quyết định này được thiết lập đúng theo các quy định của tố
tụng hình sự, đúng mẫu ban hành, đủ căn cứ ban hành quyết định, đã thể hiện rõ
nội dung hành vi, điều khoản áp dụng hay chưa; số ngày tháng ban hành đúng
không; người ký lệnh, quyết định, người lập biên bản đã ký, đóng dấu chưa, có
thẩm quyền ký không; thông tin ghi trong lệnh, quyết định có đúng không; đối
với lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giữ cần chú ý cách tính ngày giờ tạm
giam, tạm giữ của CQĐT; giờ ngày tháng lập biên bản có phù hợp với giờ kết thúc
không; biên bản có gạch chéo phần trống không;...
Chú ý đến
nội dung các biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai người đại diện
pháp nhân thương mại, người làm chứng, người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa
vụ liên quan; biên bản đối chất, nhận dạng; biên bản khám xét, biên bản khám
nghiệm, thực nghiệm điều tra; quyết định trưng cầu giám định, kết quả giám
định, biên bản thu giữ tài sản, tang vật… đảm bảo các tài liệu này phải được
thiết lập theo đúng trình tự mà BLTTHS qui định và đảm bảo tính chặt chẽ về nội
dung.
Để đảm bảo
tính khách quan của biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung bị can này,
Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên thực hiện đúng các quy định của
Điều 183 và Điều 184 BLTTHS quy định về hỏi cung bị can và biên bản hỏi cung bị
can. Để tránh việc “phản cung”, chối tội của bị can trong các giai đoạn điều
tra, truy tố, xét xử (nhất là tại phiên toà) thì Kiểm sát viên phải yêu cầu
Điều tra viên, cán bộ điều tra sau khi hỏi cung bị can xong thì để cho bị can
tự đọc và tự viết (nếu bị can biết chữ) vào cuối biên bản bị can tự ghi “tôi đã
tự đọc lại biên bản, công nhận đúng nội dung lời khai của mình” hoặc mời người
làm chứng, chứng kiến việc Điều tra viên, cán bộ điều tra đọc lại biên
bản (với bị can không biết chữ). Những nội dung biên bản hỏi cung quan trọng
cần thiết phải cho bị can viết bản tường trình, bản tự khai kèm theo. Khi
nghiên cứu hồ sơ thấy những biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung còn nhiều
chỗ trống thì phải yêu cầu Điều tra viên, cán bộ điều tra gạch chéo để tránh
tình trạng ghi thêm; nếu có tẩy xoá phải có xác nhận của bị can, người đã khai
báo; các trang biên bản phải có đầy đủ chữ ký của người khai báo…
Việc lấy
lời khai và các hoạt động thu thập chứng cứ, thiết lập hồ sơ sau khi khởi tố vụ
án phải do Điều tra viên, cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án thực
hiện. Nếu do cán bộ điều tra tiến hành thì cũng chỉ được thể hiện là người giúp
việc ghi biên bản còn chủ trì các hoạt động đó phải là Điều tra viên, cán bộ
điều tra không được làm thay, ký thay Điều tra viên. Các tài liệu được thu thập
trước khi khởi tố vụ án và không phải do Điều tra viên tiến hành (nhất là các
lời khai) thì cần yêu cầu Điều tra viên thẩm định lại sau khi khởi tố (trừ
trường hợp vì lý do khách quan không thể thực hiện được). Kiểm sát viên phải
chú ý kiểm sát tính khách quan và sự phù hợp về thời gian, địa điểm trong các
tài liệu do Điều tra viên thu thập, như: thời gian, địa điểm hỏi cung hoặc ghi
lời khai không được mâu thuẫn với nhau, vì thực tế có hồ sơ vụ án đã thể hiện
một Điều tra viên hay cán bộ điều tra tiến hành nhiều hoạt động điều tra cùng
một thời gian, hoặc trong cùng một thời gian nhưng ở những địa điểm khác nhau.
Thứ
ba, trường hợp xét
thấy cần thiết, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên cung cấp đầy đủ tài
liệu khi kiểm sát việc lập hồ sơ hoặc khi xem xét phê chuẩn các quyết định của
CQĐT, Cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra theo đúng quy
định. Nếu có căn cứ, Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra. Bởi vì, Kiểm
sát viên khi nghiên cứu hồ sơ thì mới phát hiện được các vấn đề cần điều tra và
đề ra yêu cầu điều tra đúng. Đây cũng là vấn đề giúp cho Kiểm sát viên kiểm sát
được các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Khi xét phê
chuẩn các quyết định hoặc khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải phô tô
những tài liệu quan trọng để lưu vào hồ sơ kiểm sát, như vậy vừa đảm bảo tính
chặt chẽ, vừa giúp cho Kiểm sát viên thuận lợi trong quá trình nghiên cứu và
thiết lập hồ sơ kiểm sát. Tuy Việc phô tô không đồng nghĩa với việc trích cứu
tài liệu trong hồ sơ chính của vụ án khi lập hồ sơ kiểm sát.
Sau khi kết
thúc việc phê chuẩn, Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án phải đóng dấu bút
lục của VKS các tài liệu đó và chuyển cho CQĐT, Cơ quan khác được giao tiến
hành một số hoạt động điều tra đưa vào hồ sơ vụ án. Việc đóng dấu bút lục của
VKS vào các tài liệu xét phê chuẩn của cơ quan điều tra, Cơ quan khác được giao
tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm bảo đảm Cơ quan điều tra, Cơ quan khác
được giao tiến hành một số hoạt động điều tra không đưa ra khỏi hồ sơ, làm thay
đổi tài liệu làm căn cứ khởi tố, phê chuẩn quyết định khởi tố đã gửi tới Viện
kiểm sát.
Thực tiễn
cho thấy, khi hết thời hạn điều tra, thường xảy ra tình trạng CQĐT chuyển hồ sơ
vụ án lên cho VKS và đề nghị truy tố nhưng hồ sơ chưa hoàn thiện, đầy đủ về tài
liệu chứng cứ như: chưa có trích lục tiền án, tiền sự của bị can; biên bản ghi
lời khai, hỏi cung chưa có chữ ký của Điều tra viên; chưa có biên bản đánh giá
chứng cứ giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên; chưa điền đầy đủ thông tin vào
các biên bản; thời hạn tạm giam vừa hết (trái với quy định chuyển trước 05
ngày).... Tuy nhiên, do quan hệ phối hợp nên Kiểm sát viên thường nhận hồ sơ và
để CQĐT khắc phục dần trong thời hạn truy tố với lý do các lỗi nêu trên không
phải là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Dẫn đến việc Kiểm sát viên, Kiểm tra
viên rất vả khi yêu cầu họ hoàn thiện, có những hồ sơ khi VKS truy tố sang Tòa
rồi nhưng CQĐT vẫn chưa khắc phục được vi phạm của mình.
Thứ
tư, theo quy định thì Viện kiểm sát được tiến hành một số hoạt động
điều tra ngay trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự như: hỏi cung bị can, lấy
lời khai, đối chất, thực nghiệm điều tra,... Những hoạt động này không chỉ có ý
nghĩa củng cố các tài liệu, chứng cứ khi xem xét phê chuẩn các quyết định của
CQĐT, mà còn là một biện pháp nhằm kiểm sát quá trình lập hồ sơ của Điều tra
viên, thẩm định lại các tài liệu đã được thu thập trong hồ sơ vụ án.
Thứ năm,
Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tống đạt, giao nhận, thông báo các quyết định
tố tụng tới các đối tượng có liên quan và những người tham gia tố tụng khác nhằm
đảm bảo các quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.
Trong thực
tế của hoạt động tố tụng, đã có trường hợp Điều tra viên “quên” không thực hiện
việc thông báo các hoạt động tố tụng, các quyết định tố tụng cho gia đình,
chính quyền nơi bị can cư trú như: thông báo về việc bắt khẩn cấp, bắt bị can
để tạm giam, áp dụng biện pháp tạm giam, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư
trú…; thông báo kết quả điều tra cho những người tham gia tố tụng. Hoặc có
trường hợp tuy Điều tra viên thực hiện việc thông báo nhưng lại không thể hiện
đầy đủ tài liệu trong hồ sơ nên dẫn đến tình trạng khiếu nại của luật sư hoặc
bị Toà án trả lại hồ sơ do vi phạm tố tụng.
(Theo Kiemsat.vn)